Tiểu Luận Ảnh hưởng của Ấn Độ đối với văn hoá Chămpa

Thảo luận trong 'Chưa Phân Loại' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    PHẦN 1: MỞ ĐẦU
    1. Lý do chọn đề tài

    Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc. Do trải qua một quá trình hình thành lâu đời trên một dải đất dài có điều kiện địa lí khác nhau, Việt Nam trở thành lãnh thổ chung của 54 dân tộc thuộc nhiều chủng tộc khác nhau. Mỗi dân tộc dù số lượng khác nhau nhưng đều có những nét văn hoá riêng biệt. Chămpa là một trong số đó.
    Vào cuối thế kỉ I TCN, vùng đất Bình, Trị, Thiên, Nam – Ngãi ngày nay nằm dưới chế độ thống trị của nhà Hán và là một phần của quận Nhật Nam, mang tên Tượng Lâm. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng năm 40 sau CN đã ảnh hưởng to lớn đến nhân dân Tượng Lâm và biến thành một định hướng cho công cuộc đấu tranh giành quyền tự chủ của họ.
    Cuối thế kỉ II, nhân lúc Trung Quốc loạn lạc, dân Tượng Lâm ở nơi xa xôi nhất đã đạt được thắng lợi đầu tiên. Họ đã nổi dậy, giết huyện lệnh, giành quyền tự chủ và lập nước. Người lãnh đạo khởi nghĩa ở Nhật Nam có tên là Khu Liên lên làm vua. Quốc gia mới lập của dân Tượng Lâm một thời gian dài được các thư tịch cổ Trung Hoa gọi là nước Lâm Ấp. Sách Thuỷ kinh chú giải thích rõ: Lâm Ấp là huyện Tượng Lâm, sau bỏ chữ “Tượng”, chỉ gọi là Lâm Ấp.
    Nhà nước Lâm Ấp ra đời đánh dấu một sự chuyển biến lớn của xã hội người Chăm, mở đầu một nền văn minh, phát triển mạnh mẽ qua các thời đại và nhà nước với nhiều tên gọi khác nhau.
    Trong quá trình tồn tại và phát triển, nền văn hoá Chămpa đã để lại những thành tựu rực rỡ. Để có được những giá trị vô giá đó, ngoài nhân tố nội sinh thì yếu tố ngoại nhập cũng đóng một vai trò tối quan trọng. Do vị trí địa lí và hoàn cảnh lịch sử quy định, Chămpa sớm tiếp thu với các nền văn minh lớn. Trong đó, do nhiều lí do, văn minh Ấn Độ đã có một sự tiếp cận, dung hoà qua một thời gian rất dài. Chính những tác động từ Ấn Độ đã trở thành một trong những động lực quan trọng để tạo ra những nấc lớn trong lịch sử văn minh Chămpa. Sự tiếp thu có chọn lọc và kế thừa đã tạo cho nền văn hoá Chămpa có những đặc điểm không thể lẫn vào đâu được.
    Với mục đích tìm hiểu sự tác động từ nhân tố Ấn Độ đối với Chămpa, người viết mạnh dạn chọn đề tài “Ảnh hưởng của Ấn Độ đối với văn hoá Chămpa”. Trên cơ sở đã có nhiều công trình khoa học nghiên cứu về vấn đề này, bài viết chỉ mang tính chất tổng hợp và nêu ra cái nhìn chủ quan đối với sự giao thoa, tiếp biến trong mối quan hệ văn hoá Chămpa – Ấn Độ trên ba lĩnh vực: Tôn giáo; điêu khắc – kiến trúc và chính trị.
    2. Lịch sử vấn đề
    Chămpa trở thành đối tượng nghiên cứu thực sự của các nhà khoa học bắt đầu từ giữa thế kỉ XIX bằng sự kiện: vào năm 1852, nhà nghiên cứu J. Crawford lần đầu tiên lưu ý tới người Chăm và công bố 81 từ Chăm. Chỉ 16 năm sau đó, những mối quan tâm đối với người Chăm mới được mở rộng, vẫn là từ phía các nhà ngôn ngữ học. Bắt đầu từ năm 1880 trở đi, các ấn phẩm về Chămpa mới bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều. Năm 1881, A. Labussiere đưa ra một thông báo đầu tiên về khía cạnh tôn giáo – xã hội của người Chăm Hồi giáo ở miền Tây Nam Việt Nam. Cùng năm nay, A. Aymonier cho công bố bài viết về văn tự và các phương ngữ Chăm. Tiếp sau đó là các nghiên cứu của các học giả khác: Neis và Setfons công bố một cuốn từ vựng mới, L. P. Lesserteur có hai ghi chép về văn tự, J. Moure cho ra đời các ghi nhận về bảng chữ và một nguyên bản về ngôn ngữ Chăm ở Campuchia
    Sang đầu thế kỉ XX, ngay từ năm 1901, L. Finot xuất bản danh mục các kiến trúc Chămpa cũng như nghiên cứu của mình về các tôn giáo của nước Chămpa cổ. Rồi năm 1918, ông cho ra mắt một loạt bài nghiên cứu về văn tự Chăm. Công tác khảo tả các di tích Chăm cũng được H. Parmentier tiến hành. Năm 1906, E. Aymonier đã hoàn thành và cho xuất bản cuốn “Từ điển Pháp – Chăm”. Đặc biệt, trong khoảng giữa những năm 1910 – 1913, G. Maspero cho ra đời cuốn sách “Vương quốc Chămpa” có giá trị rất lớn
    Từ năm 1915 đến năm 1920, những ấn phẩm về Chămpa giảm đi một cách rõ rệt vì hai lí do: Các nhà nghiên cứu có tên tuổi về Chăm đã mất và do sự hấp dẫn đối với việc nghiên cứu về thế giới của người Khơme, người Việt và người Thái trỗi dậy. Chỉ từ sau năm 1920 trở đi mới lại xuất hiện một số nghiên cứu về người Chăm của các học giả nước ngoài như: A. Ravaisse với bài viết về hai bia kí nói về cộng đồng Hồi ở Chămpa, R. Majumdar với cuốn sách “Các thuộc địa Ấn Độ ở Viễn Đông”, Baudesson với cuốn sách về dân tộc Chăm, G. Coedes với bài bia kí ở Võ Cạnh, J. Boisselier với các bài viết về nghệ thuật Chăm và cuốn sách về tượng Chăm, H. Moussay với cuốn “Từ điển Chăm – Việt – Pháp”
    Từ sau năm 1975, các nhà khoa học Việt Nam bắt đầu có những dóng góp thật sự vào việc nghiên cứu lịch sử, văn hoá và dân tộc Chăm. Trong khi đó, ở nước ngoài, các nhà khoa học cũng công bố một số công trình đáng kể. Có thể kể ra hai cuốn sách về các văn bản Chăm hiện có ở Pháp (năm 1978 và 1981) do các nhà khoa học Pháp tiến hành. Sau đó một năm, hai công trình về lịch sử Panduranga thế kỉ XIX của Po Dharma xuất hiện.
    Có thể nói, suốt hơn một thế kỉ qua, các nhà khoa học nước ngoài, đặc biệt là các nhà khoa học Pháp đã không chỉ mở ra cả một khoa học nghiên cứu Chăm mà còn có rất nhiều vào việc tìm hiểu, nghiên cứu và bảo tồn các di sản lịch sử và văn hoá của người Chăm. Những nghiên cứu của các học giả đi sâu vào nhiều khía cạnh khác nhau của lịch sử văn hoá Chămpa.
    Vấn đề ảnh hưởng của Ấn Độ đối với văn hoá Chămpa đã được nghiên cứu từ nhiều góc độ, trong một thời gian dài, đặc biệt là đối với các học giả trong nước như: Nguyễn Văn Tố, Vũ Lang Nguyễn Khắc Ngữ, Trần Quốc Vượng, Lương Ninh, Ngô Văn Doanh, Phan Quốc Anh, Trương Nghiệp Vũ, Phan Xuân Biên, Phan An, Phan Dốp
    3. Phương pháp nghiên cứu
    Trong quá trình làm tiểu luận, người viết đã sử dụng những phương pháp nghiên cứu sau:
    + Phương pháp tiếp cận hệ thống: Đặt Chămpa trong bối cảnh khu vực Đông Nam Á thời cổ trung đại để nghiên cứu, vừa tham gia vừa chịu sự tác động của những chuyển biến trong nền văn hoá Ấn Độ. Phương pháp tiếp cận hệ thống là cơ sở để xem xét các vấn đề trình bày trong tiểu luận.
    + Phương pháp phân tích và suy diễn gián tiếp: Phân tích vị trí địa lí cũng như điều kiện khách quan và chủ quan khiến Ấn Độ và Chămpa cũng như các khu vực khác ở Đông - Nam Á sớm có những mối quan hệ sâu sắc về lịch sử và văn hoá.
    + Phương pháp liên ngành: Khai thác và kết hợp ba loại tài liệu: lịch sử, khảo cổ học, dân tộc học.
    + Là một đề tài lịch sử, quan điểm khi nghiên cứu là tuân thủ phương pháp lịch sử, phương pháp lôgic. Ngoài việc phân tích, so sánh mối liên hệ giữa các sự kiện lịch sử, bài viết cố gắng trình bày các luận điểm trên cơ sở bám sát các sự kiện lịch sử, chân thực lịch sử, trình bày lịch sử đúng với những gì như nó đã từng tồn tại.
    4. Bố cục tiểu luận
    Tiểu luận gồm 30 trang, gồm 3 phần: Phần mở đầu, phần nội dung, phần kết luận
    Trong đó, phần nội dung gồm 3 chương
    Chương 1: Sự ảnh hưởng đến thể chế chính trị
    Chương 2: Sự ảnh hưởng của tôn giáo
    Chương 3: Sự ảnh hưởng đến kiến trúc, điêu khắc.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...