Thạc Sĩ Ẩn dụ tu từ trong thơ Tố Hữu

Thảo luận trong 'Văn Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    172
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu

    MỞ ĐẦU




    1. Lý do chọn đề tài


    1.1. Tố Hữu là một nhà thơ tiêu biểu của nền thơ ca Việt Nam hiện đại, là người mở đầu và dẫn đầu tiêu biểu của nền thơ ca cách mạng. Suốt cuộc đời gắn bó với hoạt động cách mạng và sáng tạo thơ ca, ông đã thực sự tạo nên được niềm yêu mến, nỗi đam mê bền chắc trong lòng nhiều thế hệ độc giả. Ông là người đã đem đến cho công chúng và cũng nhận được từ họ sự đồng cảm, đồng điệu, đồng tình tuyệt diệu. Tố Hữu là hình ảnh tiêu biểu của một kiểu nhà thơ mới - nhà thơ trữ tình chính trị. Con đường thơ của Tố Hữu song hành cùng quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam.

    1.2. Sự nghiệp sáng tác đồ sộ của Tố Hữu là một bộ phận không thể thiếu trong vốn văn hóa tinh thần của quần chúng Cách mạng. Trong hơn nửa thế kỉ qua, thơ Tố Hữu luôn có mặt trong chương trình sách giáo khoa Ngữ văn ở các cấp học. Thơ ông đã "đốt lửa" và "truyền lửa" tới muôn triệu trái tim bạn đọc. Đồng thời, thơ Tố Hữu đã trở thành đối tượng nghiên cứu của các nhà nghiên cứu, phê bình có tên tuổi trong nước cũng như nước ngoài. Thơ Tố Hữu được nghiên cứu từ nhiều góc độ, bình diện khác nhau. Tố Hữu được đánh giá là "nhà thơ tiêu biểu của nền thơ ca cách mạng Việt Nam hiện đại" [26, tr. 407].

    1.3. Thơ Tố Hữu "bắt rễ sâu và hấp thu sức mạnh trong nguồn mạch dân tộc, thể hiện sự thống nhất cao độ giữa cách mạng và dân tộc trong hình thức tươi đẹp của nghệ thuật. Ông tiếp thu được cả hai nguồn thơ ca dân gian và bác học, đã kế tục sáng tạo nhiều thể thơ dân tộc, thực hiện sự thống nhất dân tộc - hiện đại trong nghệ thuật" [26, tr. 407]. Không cố công đi tìm hình thức biểu hiện trong sự gọt giũa cầu kì hay những kỹ xảo thơ ca mà ông có ý thức về sự kết hợp giữa dân tộc, truyền thống và hiện đại. Cái hiện đại trong thơ ông được thể hiện nhuần nhuyễn trên nền truyền thống và dân tộc. Ông rất
    dân tộc khi trở về với thơ ca dân gian, với thơ ca yêu nước. Ông quan tâm đến hình ảnh, ngôn ngữ và nhạc điệu trong thơ.

    1.4. Chọn đề tài "Ẩn dụ tu từ trong thơ Tố Hữu", luận văn mong muốn làm rõ thế giới nghệ thuật độc đáo trong thơ Tố Hữu, đồng thời góp phần nhìn nhận và đánh giá đầy đủ hơn về những đóng góp của nhà thơ ở phương diện nghệ thuật. Nghiên cứu "Ẩn dụ tu từ trong thơ Tố Hữu" cũng để làm rõ những giá trị, những kinh nghiệm và truyền thống của phương thức tu từ mà người thi sĩ cách mạng này đã từng khai phá và sáng tạo.

    1.5. Đã có nhiều công trình, luận án, luận văn quan tâm đánh giá, nghiên cứu toàn diện hoặc nhiều khía cạnh nội dung, nghệ thuật của thơ Tố Hữu: phong cách nghệ thuật, tính dân tộc, ngôn ngữ, nhạc điệu . Tuy vậy, ẩn dụ tu từ trong thơ Tố Hữu cho đến nay chưa được nghiên cứu một cách hệ thống và đầy đủ. Do vậy, đề tài mà luận văn lựa chọn sẽ cố gắng tập trung vào hướng khảo sát còn để ngỏ này.

    2. Lịch sử vấn đề

    Trong dòng chảy của thơ ca Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại, ẩn dụ tu từ đã góp phần tạo nên những nét độc đáo trong nghệ thuật sử dụng ngôn từ. Phải kể tới sự đóng góp của nghệ sĩ dân gian trong ca dao - dân ca, Nguyễn Du trong Truyện Kiều, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Bính, Xuân Diệu hay Chế Lan trong thơ, đặc biệt là Tố Hữu.

    Hơn nửa thế kỉ qua, thơ Tố Hữu trở thành một hiện tượng, một đối tượng nghiên cứu lớn của giới học thuật, thu hút hầu hết các nhà nghiên cứu, phê bình có tên tuổi như: Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Lê Đình Kỵ, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ, Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Đình Sử, các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Trung Thông Từ những góc độ tiếp cận khác nhau, các nhà nghiên cứu đều thống nhất đánh giá: Tố Hữu là một phong cách lớn, thơ Tố Hữu có giá trị đặc sắc trong sự phát triển của nền văn học dân tộc.


    Ngoài những nghiên cứu ở góc độ phê bình văn học, thơ Tố Hữu được nghiên cứu từ góc độ ngôn ngữ học. Nhiều nhà nghiên cứu đã tìm hiểu thi pháp thơ Tố Hữu, tính dân tộc trong nghệ thuật biểu hiện, cách sử dụng ngôn ngữ, xây dựng hình ảnh .

    Trong "Phong cách nghệ thuật của thơ Tố Hữu", Nguyễn Văn Hạnh có viết "Đọc thơ anh thoáng qua dễ không thấy hết được những phát hiện mới mẻ, độc đáo. Ít thấy kỹ thuật. Thậm chí có những cái quen thuộc, "chung chung", gần "mòn", "cũ" ( ). Nó có chỗ mạnh của nó. Đó cũng là một trong những chỗ mạnh của văn học dân gian" [23, tr. 843].

    Lê Đình Kỵ đã khẳng định tính dân tộc đậm đà trong thơ Tố Hữu qua cách sử dụng ẩn dụ trong thơ: "Tố Hữu cũng sử dụng rộng rãi lối ví von rất quen thuộc của ca dao ( ). Thông thường thì là ví von gián tiếp hơn, theo lối mà ngày nay chúng ta gọi là ẩn dụ, nhưng ý vị và cấu trúc thì vẫn rất gần với ca dao" [38, tr. 801].

    Trong cuốn "Những thế giới nghệ thuật thơ", Trần Đình Sử có nhận xét về thế giới ngôn từ trong thơ Tố Hữu: "Xét về ngôn từ thơ Tố Hữu là cả một thế giới bùng cháy, tỏa sáng, nẩy nở tột cùng, dâng hiến tột độ ( ). Hệ thống hình ảnh ngôn từ ấy làm cho thơ Tố Hữu thực sự là tiếng thơ nóng bỏng, sáng ngời, bay bổng, nhiệt huyết" [51, tr. 187]. Cũng trong bài viết này, tác giả khẳng định "Ngôn từ thơ Tố Hữu mang tính chất hiện thực và cổ điển" [51, tr. 188].

    Khảo sát ẩn dụ tu từ trong thơ Tố Hữu là hướng đi tiếp nối những công trình đi trước nhằm tìm ra những nét mới mẻ và độc đáo trong thế giới nghệ thuật của người nghệ sĩ cách mạng.

    3. Phạm vi nghiên cứu

    Tập Thơ Tố Hữu (NXB Văn hóa - thông tin, HN - 2002) gồm các tập thơ: Từ ấy (1946); Việt Bắc (1954); Gió lộng (1961); Ra trận (1962-1971); Máu và Hoa (1977); Một tiếng đờn (1992); Ta với Ta (1999). Tất cả tập sách gồm 7 tập thơ với 284 bài thơ.

    Nghiên cứu hiện tượng ẩn dụ tu từ trong thơ Tố Hữu.

    4. Phương pháp nghiên cứu

    4.1. Thi pháp học thể loại: vận dụng thi pháp thể loại (thơ trữ tình)

    4.2. Phương pháp thống kê: Thống kê số lượng ẩn dụ tu từ được sử dụng trong các tập thơ của Tố Hữu. Kết quả thống kê sẽ được phân loại phục vụ cho việc nghiên cứu định lượng, miêu tả và bàn luận cụ thể về ẩn dụ tu từ trong thơ Tố Hữu.

    4.3. Phương pháp phân tích tổng hợp: Phân tích đặc điểm từng kiểu loại ẩn dụ tu từ trong thơ Tố Hữu. Trên cơ sở đó đưa ra nhận xét, đánh giá khái quát những nét độc đáo về nghệ thuật sử dụng ngôn từ của nhà thơ trong việc xây dựng các hình tượng nghệ thuật.

    4.4. Phương pháp so sánh đối chiếu: Luận văn so sánh cách sử dụng ẩn dụ tu từ qua các tập thơ của Tố Hữu để làm nổi bật nét mới của các ẩn dụ tu từ trong quá trình sáng tác của Tố Hữu.

    5. Đóng góp của luận văn

    5.1. Về lý luận: Nghiên cứu ẩn dụ tu từ trong thơ Tố Hữu góp phần làm sáng tỏ những nét độc đáo trong phong cách thơ Tố Hữu nhằm khẳng định tài năng "lá cờ đầu của thơ ca cách mạng". Đồng thời, xác định giá trị của phương tiện tu từ này trong sự phát triển của thơ ca đương đại.

    5.2. Về thực tiễn: Từ việc khẳng định những đặc sắc của ẩn dụ tu từ trong thơ Tố Hữu, thấy được những kinh nghiệm nghệ thuật của nhà thơ như một truyền thống hòa nhập vào thơ ca đương đại. Nó còn góp phần thúc đẩy việc tìm hiểu tác phẩm văn học dựa trên mối quan hệ giữa nội dung và hình thức, nhất là con đường tiếp cận ngôn ngữ tác phẩm ở cấp độ từ ngữ.

    6. Cấu trúc của luận văn

    - Ngoài phần mở đầu, kết luận, thư mục, tài liệu tham khảo và phụ lục,
    luận văn gồm 3 chương sau:

    Chương 1: Cơ sở lý thuyết: Những vấn đề liên quan đến nội dung luận văn.

    Chương 2: Đặc điểm ẩn dụ tu từ trong thơ Tố Hữu.

    Chương 3: Chức năng của ẩn dụ trong thơ Tố Hữu.








    MỤC LỤC




    Trang

    MỞ ĐẦU 1

    Chương 1: CƠ SỞ LÝ THUYẾT: NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN 5

    NỘI DUNG LUẬN VĂN


    1.1. Khái niệm về ẩn dụ 5

    1.2. Các kiểu ẩn dụ 9

    1.3. Đặc điểm của ẩn dụ tu từ 17

    1.4. Một số nét khái quát về nhà thơ Tố Hữu 23

    Chương 2: ĐẶC ĐIỂM ẨN DỤ TU TỪ TRONG THƠ TỐ HỮU 29

    2.1. Thống kê, phân loại về ẩn dụ tu từ trong thơ Tố Hữu 29

    2.2. Tính chất của hình ảnh ẩn dụ trong thơ Tố Hữu 51

    Chương 3: CHỨC NĂNG CỦA ẨN DỤ TRONG THƠ TỐ HỮU 60

    3.1. Chức năng xây dựng hình tượng 60

    3.2. Chức năng biểu cảm 69

    3.3. Chức năng thẩm mỹ 75

    3.4. Chức năng nhận thức 81

    KẾT LUẬN 90

    DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 94

    PHỤ LỤC 99
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...