Chuyên Đề 15 chuyên đề Hành chính học

Thảo luận trong 'Hành Chính' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Chuyên đề 1: QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC


    Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Hữu Hải PGS.TS. Nguyễn Hữu TriI. TÍNH TẤT YẾU VÀ ĐẶC ĐIỂM RIÊNG CỦA QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC



    1.1. Quá trình hình thành và phát triển quản lý nhà nước

    Tập quán sinh sống của con người là quần tụ theo cộng đồng. Trong cộng đồng sinh tồn này, có nhiều việc mà một người không thể làm được hoặc làm được nhưng kém hiệu quả, do đó cần sự liên kết để cùng thực hiện. Từ những yêu cầu khách quan về sự phối hợp cộng đồng, dần dần hình thành một tổ chức.
    Xét từ góc độ kinh tế, ngay từ những ngày đầu tồn tại, con người đã biết tìm kiếm các nguồn vật chất sẵn có trong tự nhiên, hay tự tạo ra để đáp ứng nhu cầu sinh tồn. Nhu cầu đảm bảo cho sự sống hàng ngày không ngừng được tăng lên cả về lượng và về chất, trong khi của cải trong thiên nhiên là hữu hạn và mang tính thời vụ. Thực tế khách quan này buộc con người phải tìm cách tự tạo ra sản phẩm tiêu dùng cho xã hội thay thế những sản phẩm tự nhiên. Dù nhiều hay ít, sản phẩm làm ra vẫn chứa đựng những tài nguyên thiên nhiên, vì vậy con người phải tập trung khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên tổng hợp; phải sử dụng những thành quả của nền văn minh để khai thác và chế tác tài nguyên. Không những thế con người còn phải đấu tranh với các lực lượng đối lập trong xã hội và tự nhiên để tồn tại và phát triển. Để đạt được mục tiêu mưu sinh đó con người không thể sống riêng rẽ mà phải tham gia vào quá trình hiệp tác, phân công lao động để vừa tạo ra sức mạnh cộng đồng, vừa phát huy ưu thế của mỗi người, mỗi bộ phận. Hiệp tác và phân công lao động tiến dần từ thấp đến cao, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện theo trình độ phát triển của lực lượng sản xuất xã hội. Dù ở trình độ phối hợp nào thì sự hiệp tác, phân công lao động cũng không phải là hoạt động của mỗi người và là của cả tổ chức xã hội; vì thế cần đến yếu tố điều hành, phối hợp các bộ phận có trong tổ chức xã hội. Yếu tố đó là quản lý.
    Quản lý ra đời gắn liền với hoạt động chung của nhiều người trong xã hội như C.Mác đã đề cập đến trong thời đại công nghiệp cơ khí: “Mọi người lao động trực tiếp trong xã hội hoặc lao động chung thực hiện trên quy mô tương đối lớn, ở mức độ nhiều hay ít đều cần đến quản lý”. Theo nghiên cứu của các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin, thì ngay trong cộng đồng xã hội thị tộc, xã hội nguyên thuỷ đã hình thành các tổ chức tự quản lý, đó là hội đồng thị tộc và người đứng đầu là tù trưởng có vai trò thực hiện chức năng quản lý trong cộng đồng thị tộc. Khi chế độ tư hữu ra đời, cũng là lúc xuất hiện các tầng lớp, giai cấp và mâu thuẫn giai cấp. Để duy trì địa vị của giai cấp thống trị và giải quyết các mâu thuẫn không thể điều hoà thì Nhà nước xuất hiện để thực hiện chức năng cai quản toàn xã hội.
    Cùng với sự phát triển của hiệp tác và phân công lao động từ thấp đến cao, xã hội loài người đã trải qua 3 cuộc cách mạng gắn liền với các tổ chức kinh tế – chính trị – xã hội. Trong mỗi tổ chức đó, quản lý nhà nước có vai trò kết hợp sự nỗ lực chung của mỗi người trong xã hội và sử dụng tốt các nguồn lực vật chất có được để đạt được mục tiêu chung và mục tiêu riêng của từng thành viên trong xã hội.
    Như vậy, nguồn gốc quản lý nhà nước là sự cần thiết kết hợp và phối hợp hoạt động giữa các cá nhân trong xã hội, giữa con người với tự nhiên để mang lại lợi ích mong muốn cho toàn xã hội. Quản lý xã hội xuất hiện ngay từ khi xã hội hình thành.
    Xét từ góc độ xã hội, khi cộng đồng xã hội hình thành đã cần có người làm chức năng phân phối, điều hoà sản phẩm cho mọi cá nhân trong cộng đồng. Cộng đồng xã hội ngày càng mở rộng, một người không thể làm hết chức năng quản lý, điều hành mà phải một nhóm người, hay một tập đoàn người. Những người nắm quyền phân phối sản phẩm sẽ phân phối có lợi cho nhóm nhỏ quản lý. Vì vậy, đại đa số dân chúng bị phân phối thiếu bình đẳng. Họ đấu tranh đòi bình đẳng xã hội. Tập đoàn người nắm quyền đó cai trị lại và hình thành bộ máy nhà nước. Khi chuyển sang xã hội dân chủ, bộ máy nhà nước này chuyển dần sang chức năng chính là: quản lý xã hội đảm bảo cho sự ổn định phát triển.
    Như vậy, từ góc độ xã hội cũng đã khẳng định, ngay từ khi cộng đồng xã hội xuất hiện hình thành nhà nước thì quản lý nhà nước cũng đã xuất hiện. Nó tồn tại khách quan cùng với sự phát triển xã hội.
    Quản lý là một hoạt động khách quan nảy sinh khi cần có nỗ lực tập thể để thực hiện một mục tiêu chung. Quản lý diễn ra với mọi quy mô, mọi cấp độ của tổ chức từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp, trong tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội, đặc biệt là phối hợp trong lĩnh vực phòng chống thiên tai. Để duy trì và bảo vệ đời sống dân cư, con người phải dựa vào sức mạnh của cộng đồng trên các phạm vi. Trong thực tế, để tái lập và bảo vệ môi trường sống thì mỗi quốc gia hay khu vực không thể tự giải quyết được mà phải có sự nỗ lực chung của tất cả các quốc gia trên thế giới. Hoặc để bảo vệ lợi ích của một quốc gia, của một chủ đầu tư thì cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều thành viên ở các quốc gia khác trên toàn cầu, như các công ty đa quốc gia, các tổ chức kinh tế khu vực. Còn để tạo ra những bộ phận hay sản phẩm giản đơn thì chỉ cần sự đồng tâm, nhất trí của một nhóm cá nhân với những thiết bị nhất định. Song dù tổ chức ở quy mô lớn hay nhỏ thì mọi hoạt động của thực thể cũng bao gồm hai bộ phận có đặc tính khác nhau rõ rệt là người điều hành và người thực hiện. Hai bộ phận này tồn tại độc lập trong một thể thống nhất cùng hướng tới mục tiêu chung của tổ chức nhà nước.
    Như vậy, quản lý nhà nước đã trở thành một loại hoạt động phổ biến trong mọi lĩnh vực, ở mọi lúc, mọi nơi, mọi cấp độ và liên quan đến nhiều thành phần, đối tượng trong xã hội. Trong số các hoạt động đó thì quản lý kinh tế – xã hội được coi là lĩnh vực phức tạp hơn cả. Hoạt động kinh tế – xã hội diễn ra thường xuyên liên tục, ngày càng phong phú, đa dạng, nó liên quan đến mọi tầng lớp trong xã hội trong các mối quan hệ vĩ mô và vi mô; liên quan đến phong tục tập quán, truyền thống văn hoá, lịch sử của một quốc gia, dân tộc.v.v Tính phức tạp của quản lý kinh tế – xã hội thể hiện ở cả những quan hệ chính thức - cơ bản được điều chỉnh bởi pháp luật và cả những quan hệ phi chính thức phải điều chỉnh bằng những phạm trù đạo đức, phong tục, tập quán. Vì vậy, phải biết kết hợp hài hoà giữa nguyên tắc quản lý hành chính, kinh tế và giáo dục thuyết phục mới đạt được mục tiêu dự kiến.
    1.2. Quản lý nhà nước là một dạng quản lý xã hội đặc biệt

    Quản lý xã hội được C.Mác coi là chức năng đặc biệt nảy sinh ra từ tính chất xã hội hoá lao động.
    Quản lý là một yếu tố hết sức quan trọng không thể thiếu được trong đời sống xã hội. Xã hội càng phát triển cao thì vai trò của quản lý càng lớn và nội dung càng phức tạp.
    Trong công tác quản lý, có rất nhiều yếu tố tác động, đặc biệt có 5 yếu tố chủ yếu sau đây mang tính đặc trưng của quản lý xã hội.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...