Tư tưởng đạo đức trong triết học Ấn Độ cổ đại - đặc điểm và ý nghĩa lịch sử

Thảo luận trong 'Khoa Học Xã Hội' bắt đầu bởi Quy Ẩn Giang Hồ, 5/6/21.

  1. Quy Ẩn Giang Hồ

    Quy Ẩn Giang Hồ Administrator
    Thành viên BQT

    Bài viết:
    3,084
    Được thích:
    23
    Điểm thành tích:
    38
    Xu:
    0Xu
    PHẦN MỞ ĐẦU

    1.Tính cấp thiết của đề tài

    Con người là hệ thống cấu trúc tổng hợp của tự nhiên và xã hội, thể xác và tinh thần vô cùng phức tạp. Cùng với đời sống vật chất, là đời sống tinh thần phong phú của con người. Trong các yếu tố cấu tạo nên đời sống tinh thần thì đạo đức là một trong những yếu tố có ý nghĩa quan trọng góp phần hình thành nên bản tính con người. Đây chính là một trong những tiêu chuẩn phân biệt con người với tất cả các sinh vật khác. Vấn đề này đã được các nhà tư tưởng phương Đông lẫn phương Tây bàn đến từ rất sớm. Trong đó, đặc biệt là tư tưởng đạo đức của triết học Ấn Độ cổ đại, được thể hiện qua các tác phẩm có giá trị như: Veda – Upanishad, sử thi Mahàbhàrata, Ràmàyana, Bhagavad – Gità, hay Đại tạng kinh của Phật giáo…Tư tưởng đạo đức ấy mang ý nghĩa triết lý nhân sinh sâu sắc, luôn gắn chặt vấn đề luân lý với vấn đề có ý nghĩa tâm linh tôn giáo. Những tư tưởng đạo đức của triết học Ấn Độ cổ đại nảy sinh từ đời sống và đi vào đời sống nhằm hướng con người đến chân, thiện, mỹ. Vì thế, trong phần kết luận cuốn Lịch sử văn minh Ấn Độ Will Durant đã viết: “Ấn Độ sẽ dạy cho chúng ta bài học khoan dung cao thượng, dấu hiệu của một tâm hồn già dặn, dạy cho chúng ta có một tâm hồn thanh thản, thỏa mãn, dễ tiếp thu những ý mới, có một trí óc bình tĩnh hiểu được hết thảy, tha thứ cho hết thảy, sau cùng có một tấm lòng nhân từ, thương yêu mọi sinh vật, chỉ tấm lòng đó mới đoàn kết mọi người với nhau được thôi”[87,tr.439].

    Trong những năm qua, đất nước ta đang từng bước vươn lên trong công cuộc đổi mới. Với quá trình đổi mới toàn diện đất nước, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu mà chúng ta đã đạt được không thể tránh khỏi sự tác động từ những mặt trái của cơ chế mới đang ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội. Như Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa VIII của Đảng đã nhận định: “Cơ chế thị trường và sự hội nhập quốc tế, bên cạnh những tác động tích cực to lớn cũng đã bộc lộ mặt trái của nó ảnh hưởng đến ý thức tư tưởng, đạo đức, lối sống của nhân dân”[26,tr.46]. Điều đáng quan ngại là chúng ta phải trả giá bằng sự suy thoái của những giá trị đạo đức và những truyền thống văn hóa. Bên cạnh đó, trong cơ chế mới còn nảy sinh cuộc đấu tranh giữa hai lối sống, lối sống có lý tưởng, lành mạnh, trung thực, sống bằng chính sự lao động của mình, chăm lo lợi ích của cộng đồng và lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền với những việc làm bất chính của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Vì thế mà Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X đã viết: “Thoái hóa, biến chất về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu dân trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nghiêm trọng, kéo dài chưa được ngăn chặn, đẩy lùi”[28,tr.263]. Đây chính là một trong những nguyên nhân làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và nhà nước, tác động tiêu cực đến tiến trình đổi mới đất nước.

    Trước thực trạng trên, vấn đề đặt ra cho chúng ta là làm sao trong tiến trình phát triển đó vẫn có thể giữ được bản sắc, truyền thống văn hóa và cốt cách của dân tộc để hướng đến một sự phát triển bền vững; khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức của một số bộ phận cán bộ, thanh thiếu niên trong xã hội, góp phần vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực hội đủ phẩm chất và năng lực chuyên môn, có thể đáp ứng các điều kiện cần thiết cho sự nghiệp đổi mới? Điều này đòi hỏi cần phải có đội ngũ những con người: “Phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung, tôn trọng nghĩa tình, lối sống có văn hóa, quan hệ hài hòa trong gia đình, cộng đồng và xã hội[26,tr.106]. Vì thế, bên cạnh việc giáo dục đạo đức, trên cơ sở kế thừa và phát huy những truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc, thì việc tiếp thu có chọn lọc những giá trị đạo đức của nhân loại ở phương Đông cũng như phương Tây, trong đó có triết lý đạo đức nhân sinh trong triết học tôn giáo Ấn Độ cổ đại là điều cần thiết hiện nay.

    Cùng với sự phát triển của lịch sử, bất kỳ một học thuyết, một tư tưởng nào đều khó tránh khỏi những hạn chế và thiếu sót. Tư tưởng đạo đức Ấn Độ cổ đại cũng không ngoại lệ. Nhưng nếu chúng ta biết gạt bỏ những mặt hạn chế do điều kiện lịch sử và tính chất giai cấp xã hội để lại, ta thấy chúng vẫn có những giá trị và ý nghĩa nhất định trong cuộc sống hiện thực. Vì vậy, nghiên cứu tư tưởng đạo đức Ấn Độ cổ đại là rất cần thiết để góp phần giúp chúng ta tìm hiểu rõ hơn về đời sống tinh thần đạo đức của dân tộc Việt Nam. Từ đó góp phần vào việc rèn luyện và giáo dục đạo đức con người Việt Nam hiện nay. Xuất phát từ những lý do trên mà người viết đã chọn vấn đề “Tư tưởng đạo đức trong triết học Ấn Độ cổ đại - đặc điểm và ý nghĩa lịch sử “ làm đề tài luận văn thạc sĩ của mình .
     
Đang tải...